Và một hệ sinh thái trong tâm ta bắt đầu

Những dòng ký sự về một chuyến đi đặc biệt của tôi trong năm nay, cũng là nhiều suy ngẫm được cấy nền từ người thầy mà tôi may mắn được gặp và học hỏi – Giáo sư Phan Văn Trường. Ghi lại những câu chuyện dưới đây về quản trị, về văn hoá doanh nghiệp cùng tư duy tạo hệ sinh thái là để nhắc mình cẩn trọng trong từng bước đi, nhưng cũng là để chia sẻ tới những ai thấy cần. 

1. NHỮNG DÒNG NƯỚC MÁT

Tôi đã mở đầu mùa hè của mình bằng một cách không thể tuyệt vời hơn, tới với Cấy nền mà cũng là tìm đến dòng nước mát từ những nguồn năng lượng tốt lành. Để qua từng ngày ở Vũng Tàu, dòng nước ấy tuần tự chảy qua nhiều khúc quanh khúc thẳng làm thông suốt tư duy và cảm nhận của người lữ hành đang kiếm thêm tri thức và niềm tin.Khi viết những dòng này, và cũng như mỗi hành động của mình kể từ khi trở về từ Study Tour, tôi luôn nhắc nhở mình theo lời căn dặn của thầy, đó là “sống theo đúng nhịp tim, nghĩ theo đúng nhịp não của mình”. Sống như thế chắc sẽ vui vẻ lắm, giống như cách anh “Bờm” Điền cười vang và hào sảng cất tiếng hát, hay chị Hậu nhà anh Cường nhẹ nhàng và nhân từ nhoẻn miệng, tôi đều nhận được một cảm giác thật sự dễ chịu và thoải mái.Với tôi, Cấy nền giống như một nhịp nghỉ thật sự cần thiết để lắng nghe suy nghĩ của mình tốt hơn và nạp thêm những điều mới, cũng là một dịp quý để “reflect”chính bản thân mình. Hành trình ấy được bắt đầu với những nguyên tắc được căn dặn thật chu đáo và ân tình: ” Khoá học này tuy gọi là học nhưng chúng ta có 47 thầy và 47 trò. Người nào cũng có một cái gì để truyền tải cho người khác. Thầy và các em sẽ hoàn toàn bình đẳng. Tuy bình đẳng nhưng khác nhau về tuổi, trải nghiệm, kiến thức, góc nhìn, văn hoá, vv…có khác nhau thì mới đa dạng. Có đa dạng thì mới phong phú và tạo cho nhau một hệ sinh thái để cùng học hỏi, lý luận, suy diễn, và sáng tạo. Thành thử, chúng ta hãy cứ hồn nhiên, nhưng trong sự tự kiểm soát ý tưởng và trong sự lắng nghe các bạn khác.”  Bình đẳng và đa dạng là những điều kiện cần thiết để hệ sinh thái của “Cấy nền 1” bắt đầu, để từ khắp mọi nơi trong đất nước, chúng tôi tìm về Vũng Tàu để được gặp thầy và gặp nhau.

Hành trình ấy khởi đầu từ chuyến đi thăm nhà máy nước hồ đá đen trong một ngày mùa hè mưa rào tầm tã, chúng tôi hiểu hơn về vùng đất mà mình đang đặt chân tới, và về BWACO – một công ty “hạnh phúc” cùng những chia sẻ liên quan tới văn hoá doanh nghiệp, triết lý kinh doanh cũng như những hoạt động hướng tới cộng đồng. Theo lời anh Toàn của công ty, công suất tối đa một ngày của Nhà máy nước Hồ đá đen là 120 ngàn mét khối nước, đây là những dòng nước mát BWACO góp phần đem tới người dân Vũng Tàu. Còn đối với những thành viên của Study Tour, đến từ nhiều thành phố khác nhau Sài Gòn, Đồng Nai, Nha Trang, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Giang, … những tình cảm và sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo công ty, anh Đức (Chủ tịch HĐQT), chị Ngọc, anh Toàn, chị Minh Đức, cùng nhiều anh chị khác của BWACO thật khó lòng đong đếm nổi.Sự chân thành có lẽ là một loại năng lượng mạnh mẽ, những điều xuất phát từ trái tim luôn toả ra một năng lượng hiền hậu để thu hút và tạo dựng niềm tin nơi con người. Tôi cảm thấy điều này trước nhất từ thầy, rồi từ các anh chị của BWACO, cũng như từ chính các thành viên của Cấy nền 1.

Như câu chuyện của chị Hồng tại Nha Trang, về việc kiên tâm áp dụng những triết lý đạo Phật cùng sự nhân từ và trí tuệ vào kinh doanh, để từng sản phẩm chị làm ra với mục tiêu trước nhất là tốt cho sức khoẻ của cộng đồng bằng công nghệ làm chả cá sạch chị mang từ Nhật về. Nhưng có lẽ, món quà mà chị làm tôi cảm kích nhất chính là câu chuyện về việc nuôi dạy con, đồng hành cùng con trong những dấu mốc quan trọng, dạy con biết tư duy yêu thương, yêu mẹ, yêu gia đình và yêu môi trường xung quanh. Hay như câu chuyện của chị Hậu cùng hành trình khơi gợi trẻ thơ bằng nghệ thuật, với một thái độ tôn trọng trẻ và bền bỉ nuôi dưỡng sự đa dạng trong việc con trẻ ước mơ.Tôi luôn tin tưởng về sự nhất quán giữa tính cách và sản phẩm được tạo ra từ cùng một người, nếu bạn cảm nhận được sự hiền hậu, cẩn thận toả ra từ khí chất thì khả năng cao những việc mà họ làm cũng được truyền theo năng lượng của sự tỉ mỉ và tốt bụng. Những dòng nước mát ấy gợi nhắc tôi tới từ “Nice” trong nhiều thông điệp mà thầy từng đề cập. Sự ôn tồn luôn bao hàm một nội lực đáng nể, mà có lẽ chỉ khi kiên nhẫn với triết lý “sống đúng với nhịp tim” mới dần được vun tạo lớn hơn mỗi ngày. Thầy cũng nói, trong cuộc đời của mỗi con người không có quá nhiều quyết định quan trọng đến như thế, hãy cứ sống chậm rãi chứ đừng “tranh thủ”, hãy cứ làm hết mình chứ đừng làm “cho xong”. Khi đó, những dở dang và lộn xộn sẽ dần được chu toàn, cuộc sống cũng vì thế hẳn sẽ ngăn nắp hơn và sẵn sàng đón nhận thêm những dòng nước mát.

2. THÔNG ĐIỆP TỪ SỰ THÀNH THỰC

Trước khi tới với Cấy nền 1, tôi có viết một bài trên Saigon Times với tựa đề “Văn hoá doanh nghiệp: Đừng cố giấu đi thật thà”, như một diễn giải nhỏ trong quá trình học hỏi những nguyên lý được thầy nhắc tới trong cuốn “Một đời quản trị”. Và khi tới Study Tour, tôi hiểu hơn rằng, Thật thà hoá ra lại rất gần gũi với sự Thành Thực. Tại đây, tôi đã được nghe, được chứng kiến nhiều câu chuyện sống động, từ việc BWACO chia sẻ thành thực những giá trị văn hoá doanh nghiệp, cách các thành viên trong đoàn nhiệt tâm trao đổi thành thực với nhau, những bài học khởi nghiệp “tái ông thất mã” từ anh Danh Hoàng, hay những sóng gió lăn lội đủ đường với triết lý “đơn giản hoá những điều phức tạp” của chị Thành Thực, và cả những nhìn nhận rất xác đáng về con người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam của thầy dựa trên những chiêm nghiệm qua nhiều năm sống và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tất cả tạo ra một chuỗi các thông điệp ấy ghép thành một bức tranh thành thực với nhiều mảnh ghép đa dạng sắc màu.

+ Thông điệp 1: Quản trị bằng tư duy hệ sinh thái

Trong một hệ sinh thái, quan trọng nhất là giữ được cho “vạn vật” được bình đẳng. Giống như trong khu vườn của Kimura, mọi loài đều có vai trò, con rắn, con rết, con sâu, con bọ, con chim, cây cỏ hoa lá um tùm đều có chỗ trong thế giới ấy. Bài học trước tiên trong quản trị theo tư duy của hệ sinh thái từ câu chuyện Quả táo vũ trụ mà thầy kể, chính là tôn trọng sự bình đẳng. Chỉ khi văn hoá bình đẳng được tạo ra trong doanh nghiệp, thì khi ấy những sự thành thực, ân cần và trân trọng mới có điều kiện được phát huy đúng mực. Đây cũng là gợi ý của thầy cho thắc mắc của anh Sơn trong đoàn, về việc tạo động lực cho nhân viên trong doanh nghiệp. Cấu trúc tổ chức phải thật tinh gọn hoặc kim tự tháp đó phải thấp, với mục đích là đảm bảo người đứng đầu (hoặc đối với những công ty công nghệ thì là người nắm giữ và am hiểu nhất công nghệ) có sự “sát sườn” với nhân viên; khi tính công bình và thân thiện được hình thành, mối quan hệ chủ – tớ sẽ dần mất đi, thay vào đó chỉ còn là mối quan hệ giữa những người cùng hợp tác với nhau. Khi người lãnh đạo biết hỗ trợ, theo dõi và định hướng ở phương diện cá nhân như vậy, tuy đây là một công việc mất thời gian nhưng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề mang tính hệ thống sau này. Những người trong doanh nghiệp biết tin cậy lẫn nhau thì sẽ bắt đầu cùng nhau trau dồi kiến thức để trở thành con người học tập, kiến tạo một tổ chức học tập. Điều này cũng tương đồng với những bản sắc văn hoá mà công ty BWACO đúc kết trong cuốn tổ tay văn hoá, bao gồm: đồng thuận cao, sẵn sàng học hỏi và thay đổi, và chú trọng trách nhiệm xã hội. Khi có tư duy gắn liền với hệ sinh thái, những “lãnh địa” sẽ liên tục được mở rộng, không bị khoá hẹp trong một vùng đất nào cả, để khi đó, doanh nghiệp cũng là một người bạn thân thiện của cộng đồng.

+ Thông điệp 2: Vững vàng trong từng bước đường khởi nghiệp

Thầy khuyến khích mỗi chúng ta thử sức khởi tạo một doanh nghiệp riêng, không phải với mục tiêu chăm chăm kiếm lợi nhuận, mà là để học cách cân bằng giữa mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, và quan trọng hơn cả là để khám phá thêm về bản chất của cuộc sống quanh mình. Hay nói cách khác, khởi nghiệp là dấn thân để hiểu hơn về các hệ sinh thái. Trong Study Tour, tôi ghi chép được một số những bài học dưới đây, chia sẻ không chỉ từ thầy, mà cả từ những thành viên của Cấy nền 1 vốn đã có những kinh nghiệm bôn ba như chị Thành Thực, anh Danh Hoàng, cùng nhiều các anh chị khác trong Study Tour:

•Về kỹ năng quản trị, trước hết đây là việc của lãnh đạo, không phải của nhân viên. Đừng mướn một nhân viên biết làm hết mọi thứ, nếu như không muốn bị “chiếm chỗ của em như chơi”. Quản lý thì cần sự công bằng, nhưng trong quản trị thì cần biết sử dụng sự bất công để tạo ra động lực cạnh tranh.

•Về thị trường, doanh nghiệp chỉ nên sản xuất khi có khách hàng thường trực. Khảo sát thị trường để tìm hiểu cấu trúc và mức độ ổn định trước khi bán sản phẩm, quan trọng hơn khi đưa ra các quyết định kinh doanh cần nhìn vào khách hàng thực tế, không nhìn vào khách hàng tiềm năng. Đối với các chính sách marketing, tuyệt đối không giảm giá bán sản phẩm, hãy tìm cách tạo thêm giá trị bằng tư duy khác biệt.

• Về tư duy tài chính, khởi nghiệp phải tạo ra dòng vốn liên tục, hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ và tìm cách tạo ra doanh thu ngay tức khắc. Một khi đã quyết định thì không bao giờ được chấp nhận một phương án kinh doanh lỗ, kế hoạch lỗ thì đừng làm. Kinh doanh thì phải lãi: Lãi tiền, lãi thương hiệu, lãi kinh nghiệm; vì tài sản vô hình lớn hơn tài sản hữu hình, tức là trong trường hợp lỗ “vốn” thì phải chấp nhận đổi lại được giá trị thương hiệu, thị trường khách hàng. Đối với những doanh nghiệp không thể tạo ra lợi nhuận thì phải cho nó chết, để nó sống lại với hình thái khác.

•Về việc nắm bắt cơ hội trong kinh doanh, triết lý “tái ông thất mã” mà anh Hoàng Nutri Nest nhắc tới có thể áp dụng, đó là trong những thời điểm nguy hiểm, thậm chí doanh nghiệp ở sát bờ vực phá sản vẫn tiềm ẩn rất nhiều cơ hội, quan trọng là chủ doanh nghiệp đủ bình tĩnh và kiên trì vào những điều mình tin là đúng. Đôi khi một quyết định trong tích tắc có thể quyết định một người trở thành ” trùm dẫn gái” hay chủ của công ty nuôi yến đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2005; và chuyện mất một nhãn hiệu bằng tiếng Việt đôi khi lại là may mắn để vươn ra thị trường quốc tế với một tên gọi toàn cầu. Quan trọng là luôn cần sự tích cực và lạc quan dựa trên một cơ sở hiểu biết vững vàng.Thông điệp

Thông điệp 3: Đơn giản hoá những vấn đề phức tạp

Vì thời gian chúng ta có hạn, thế nên cần đơn giản hoá mọi thứ, đặc biệt là những vấn đề phức tạp. Quản trị thời gian vì thế cũng là quản trị cuộc đời. Đó là những chia sẻ mở đầu từ lời chị Thành Thực. Với kinh nghiệm thương trường trong hơn 25 năm qua cùng nhiều biến cố trong cuộc sống, những lời chị Thực nói không ngoài mục đích giúp mọi người sử dụng thời gian hiệu quả và thiết kế một cuộc đời ý nghĩa. Vắn tắt lại với những ý chính dưới đây, mà theo chị, mỗi gạch đầu dòng này chị có thể nói một ngày mới đủ:

•Về những nguyên nhân thất bại điển hình của doanh nghiệp: Theo chị Thành Thực bao gồm 3 nguyên do sau: Không biết xây dựng kế hoạch (kế hoạch tài chính, nhân sự và thị trường); không có phương pháp quản trị đúng (sự tách bạch giữa lý trí và tình cảm); và không biết cách chấp nhận thất bại (sĩ diện và sợ hãi). Tuy nhiên, điều quan trọng là phải học cách biết chấp nhận thất bại nhưng tuyệt đối không sợ thất bại, phải dám thử sức, dám tự tin làm sai để biết mình giỏi điều gì.

• Về quan điểm học tập: Học đi đôi với hành, muốn giỏi phải vừa làm vừa học. “Muốn làm giỏi thì phải vừa học vừa làm, đừng học xong rồi mới làm. Nếu cứ làm hỏng rồi lại đi học, như vậy khó mà thành công”. 5 năm trở lại đây, chị chia sẻ những kiến thức hồi học trung cấp ngân hàng không lãng phí một buổi nào vì tất cả đều được dùng. Cho tới nay chị áp dụng quan điểm học tập này vào việc giáo dục gia đình: “Cho con học ít, cho làm từ bé. Con hãy sống đời con, đừng sống đời mẹ. Đến năm 60 tuổi, mẹ không sở hữu cái gì, và phấn đấu học tập suốt đời.”

•Về bản lĩnh thị trường: Trong nhiều biến cố thương trường, doanh nghiệp cần biết nắm bắt thị trường để làm chủ tình thế; chị kể chuyện từng lái xe hơn 200 km lên Dương Giang để đối thoại tay bo với thương lái Trung Quốc về sự cố với đại lý phân phối tại Việt Nam; sẵn sàng thách thức và dám làm mọi điều để bảo vệ thành quả kinh doanh của mình là điều tôi thấy rất rõ ở chị, đây cũng là bài học sử dụng lợi thế cạnh tranh dựa trên việc am hiểu thị trường và luật pháp.

Thông điệp 4: Thành thực với những khuyết điểm trong tính cách công việc của người Việt Nam

Có nơi nào vô địch trong việc phá chính mình, tự bắn vào chân mình như rất nhiều người Việt Nam đang làm: “sáng bắn vào chân, cả ngày băng bó, tối than to rằng ‘tao què rồi’ “, điều này thật sự nghịch lý nhưng lại đang diễn ra trong nhiều khía cạnh của cuộc sống và công việc. Khuyết điểm đó thầy luôn nhấn mạnh trong cách làm việc của người Việt: “làm cho xong việc”. Vì làm việc cho xong nên không bao giờ tìm được những giải pháp tối ưu; trầm trọng hơn cả, khi có phong cách “làm cho xong” doanh nghiệp sẽ không bao giờ khác biệt trên thị trường và sẽ lặp lại những chiến lược kém hiệu quả như “tụt giá, chiết giảm” trong định giá chất lượng sản phẩm. Trái lại, nếu như biết cố gắng hết sức, biết tư duy tạo sự khác biệt thì khó lòng “có ai đánh được mình”. Muốn tạo ra sự khác biệt, trước hết nên bắt đầu từ bỏ tư duy làm việc cho xong. Tôi nhớ thầy kể một câu chuyện, khi thầy sang Mexico gặp hai tỷ phú “người ta bận kinh khủng, bận kinh khủng. Ở vị trí của họ, bao nhiêu quyền lợi cần đến họ phải chỉ huy và lãnh đạo. Nhưng đến khi người ta tiếp mình, người ta vỗ vai thầy và nói: Anh ạ, phong tục của chúng tôi, đó là khi tiếp nhau thì phải tiếp cho đàng hoàng, và ăn đến khi nào mãn tiệc thì thôi. Tiền ngày hôm nay có thể mất, nhưng mai rồi tiền lại trở về, không vấn đề gì cả”. Thật vậy, tôi tin rằng khi đã thành thực với chính mình, thì cũng là lúc học cách từ bỏ lối sống tranh thủ, dừng ngay cái thói vội vàng, và trong mỗi hành động mình làm luôn phải biết hai điều: “Tại sao mình làm” và nhận ra “tôi đang làm cái đó đấy”, không pha lẫn mọi chức năng, “không lung tung beng nữa”. Chính niệm thật ra cũng là thành thực vậy, là một lối sống tập trung cho từng khoảnh khắc, biết đi theo nhịp tim và trí óc của mình.

3. LỬA NHIỆT TÂM THỔI LÊN TẦM VÓC

Khi đã thành thực với chính mình và nhìn nhận được những giá trị của cá nhân, của doanh nghiệp, của đất nước, sau đó Study Tour dẫn những suy nghĩ của tôi tới những điều lớn hơn, như việc khẳng định tầm vóc bằng những nhiệt tâm luôn thôi thúc. Tôi cho rằng, mọi việc chúng ta làm dù thất bại hay thành công đều đem tới những bài học, quan trọng là ta đủ vững vàng: Khi thất bại không nao núng và biết đứng dậy làm lại từ đầu, khi thành công không tự đắc để không ngừng lớn mạnh và học hỏi tiếp. Những suy nghĩ này được gợi ra cho tôi từ nhiều thành viên trong đoàn, như bạn Lan Anh của Sách và Hành động đa tài và chịu khó học hỏi, như cách chị Linh Thảo gợi ra vấn đề về khởi nghiệp sáng tạo cùng nhiều trăn trở. Và chắc cần kể đến cả câu chuyện của Bảo Trâm, một cô gái nhỏ nhưng nhiều nhiệt tâm thường trực. Xuất phát từ mong mỏi khám phá “Tôi là ai?”, Bảo Trâm đã bắt đầu hành trình đi qua 20 quốc gia khám phá nhiều mới lạ, để khi đặt chân lên mỗi mảnh đất cũng là mở thêm ra những tiềm năng bên trong và lý giải nhiều bí ẩn vốn thắc mắc từ lâu. Từ đây, qua bao nhiêu câu chuyện mà tôi được nghe trong Study Tour, tôi nghĩ rằng, thực ra dù có làm bất cứ điều gì thì bản thể cùng những giá trị căn tính của mình vẫn ẩn sẵn ở bên trong, những hạt mầm ấy chỉ chờ mưa để nảy lên những hình hài cụ thể. Vì thế mới nói, khám phá thế giới nhưng thực ra cũng là khám phá chính mình; và quan trọng nhất là giữ cho được ánh sáng từ lửa nhiệt tâm vẫn toả.Sự vươn lên của tầm vóc dù là cá nhân hay một tổ chức, doanh nghiệp đều đòi hỏi một quá trình kiên tâm vượt gió bão, cũng như một cây non trong biển trời dài rộng để đứng vững thì cần lắm những vươn lên không ngừng nghỉ. Thầy chỉ ra những hệ sinh thái vĩ mô liên quan tới địa kinh tế và địa chính trị của Việt Nam trong khu vực Thái Bình Dương, rằng cần phải tạo một hệ sinh thái với Trung Quốc, về viễn cảnh tương lai của nền kinh tế Việt Nam 10 năm nữa với nhiều biến động khó lường, hay cần biết cách tạo ra những liên kết rộng hơn và tích cực xây dựng những cầu nối, chẳng hạn như liên kết với mạng lưới Việt kiều trên thế giới ở Bắc Mỹ, châu Âu để có những nguồn lực chuyên môn cần thiết. Điều này là tất yếu bởi vì ta đều hiểu rằng nếu làm một mình chắc chắn lắm lúc cũng chân mỏi não trùng; thế nên, cây táo mới được trồng trong khu vườn và cá nhân hay doanh nghiệp không nên phát triển đơn độc và cần đặt trong một hệ sinh thái, nếu không, đời sống sẽ thật ngắn ngủi và không đem hết được giá trị. Tại Nhật Bản, ta được biết tới hành trình 20 năm của người nông dân Kimura trồng một cây táo ngọt trọn vẹn không thuốc trừ sâu. Sự phát triển của cây táo trong khu vườn ấy tuân theo những giá trị của hệ sinh thái, giờ đây đó là không gian lý tưởng cho nhiều loài sinh vật cùng chung sống và cây táo dặt dẹo khi thiếu phân bón thực vật và thuốc trừ sâu đến nay đã trở thành một giống cây tươi tốt, mạnh mẽ. Quan trọng nhất, khu vườn ấy là hệ sinh thái để muôn loài phát triển hài hoà, kể cả những loài bé nhỏ nhất. Để từ đây, khi nghĩ về tầm vóc của dân tộc, tôi cũng sẽ nghĩ về hình ảnh người nông dân nhỏ bé trong những lời dặn dò này của thầy: Để từ đây, khi nghĩ về tầm vóc của dân tộc, tôi cũng sẽ nghĩ về hình ảnh người nông dân nhỏ bé trong những lời dặn dò này của thầy: “Xin các em nhớ cho thầy một điều, đất nước chúng ta sẽ rất hùng cường nếu như ngày nào con chim cuối đàn của chúng ta lên xã hội trung bình.”. Sự vươn lên của một dân tộc không phải thể hiện ở việc tán dương những “đầu tàu kinh tế”, chừng nào 70 triệu người nông dân Việt Nam được quan tâm đúng mực và có một cuộc sống trung bình thì đất nước mới thực sự phát triển. Khoan mơ đến xã hội 4.0 cũng ngừng mê những đô thị thông minh, sau nhiều năm nữa, nông thôn mới chính là nơi ta nương tự khi về già, là nơi ta gìn giữ truyền thống và những kết nối quan trọng của đất nước. Câu chuyện Quả táo trong vũ trụ mà thầy nói qua góc nhìn tôi là thế, đó là một vườn cây nhưng cũng chính là một vũ trụ thu nhỏ, là một xã hội không bỏ lại đằng sau bất cứ một ai.

4. MỘT HỆ SINH THÁI TRONG TÂM TA BẮT ĐẦU

Ngày xửa ngày xưa, trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam, ông Bụt vẫn thường hiện lên khi người thua thiệt gặp điều bất công để giúp đỡ bằng một điều ước nhưng cũng là để gieo vào tâm khảm của chúng ta niềm tin và những hạt giống hi vọng cho một cuộc đời tốt hơn. Ngày nay, tôi tin rằng có nhiều người hơn trong xã hội muốn góp sức góp công giải quyết những vấn đề chung, nhưng nhiều khi lại cứ nghĩ như muối bỏ bể, để rồi chùn chân, để rồi ngưng nỗ lực. Khi một mình va chạm với những “thế lực đen tối” trong xã hội, tôi thấy nhiều người có xu hướng thu mình lại với những niềm vui nhỏ nhặt, tạm gác lại những hoài bão mà không dám đốt lên những nhiệt tâm mà chỉ để cho ngọn lửa ấy âm ỉ cháy lay lắt. Có lẽ điều mà những người như tôi chưa nhìn thấy, đó chính là việc kết nối những người giống mình để tạo thành những đồng minh, để không đơn độc, để cùng nhau chia sẻ những khó khăn và vun vào nhiều hơn cùng phát triển. Là một người trẻ học PR trong 6 năm nay, tôi hiểu rõ về giá trị của kết nối đối với bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào trong xã hội, nhất là những bài học về việc học cách nói sự thật với một thái độ tinh tế và chân thành.Thế rồi trong những ngày hoang mang dò đường ấy, tôi đã tìm thấy ông Bụt của mình. Thầy Phan Văn Trường đem tới cho tôi một cảm nhận tốt lành qua những lời thầy nói, mỗi việc thầy làm. Từ một buổi hội thảo ở L’espace đầu năm 2019 khi nghe về chuyện thằng Bờm và Phú ông trong “Một đời thương thuyết”,cho tới những bài học quản trị đáng giá của một doanh nhân tầm cỡ global, tôi bị cuốn hút theo năng lượng nhiệt tâm toả ra từ thầy. Để rồi chuyến đi Vũng Tàu cùng Cấy nền 1 đã trở thành một trong những dấu mốc quan trọng ghi lại một hành trình dài phía trước của hệ sinh thái khởi nghiệp do thầy kiến tạo và truyền cảm hứng. Bước ra từ trang sách với vai trò một độc giả, tôi ngưỡng mộ tác giả và thêm lạc quan vào những gì mình đang tin tưởng, để rồi sau đó bước tới làm một người học trò với nguyện ý cống hiến nhiều hơn.Kể từ Study Tour, tôi nghiệm ra nhiều bài học quan trọng, có những bài học đến từ quan sát, có những bài học đến từ trò chuyện và trao đổi. Rất tình cờ và thật may mắn, tôi đã bắt gặp được những người cùng chung giá trị trong chuyến đi này; và dĩ nhiên là thấy cả những người khác tôi rất nhiều.Từ đây, tôi biết khiêm nhường và lắng tai nghe thật kỹ để hiểu hơn về cuộc sống đa dạng quanh mình, để hiểu rằng muốn tìm ra chân- thiện – mỹ thì cần kiên tâm học hỏi mỗi ngày, và năng nhắc nhở phải luôn thành thực với chính mình.Cũng từ đây, tôi tin rằng những suy nghĩ tốt lành đang được lớn dần lên trong khu vườn của Cấy nền.

Và một hệ sinh thái trong tâm ta bắt đầu ..

* Bình luận của GS.Phan Văn Trường:

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

https://study.edu.vn/,https://giasumontoan.net/,https://bdsvinhphuc.com.vn,https://shoponline.com.vn/,https://toathuocdongy.com/