BẬC TRÍ TUỆ LÀ BIẾT NHỮNG GÌ MÌNH KHÔNG BIẾT
Sớm nay tôi đọc được 19 câu của bậc trí tuệ Lão Tử. Xin ghi lại chia sẻ cùng các bạn. Kèm theo mấy ý nghĩ nhỏ đi cùng, như một sự trò chuyện cùng tác giả “Đạo Đức Kinh”.
1. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.
? Tâm ta loạn hay bình là do lựa chọn. Cạnh tranh, ganh đua với người khác dù chiến thắng có hả hê nhưng chỉ là nhất thời. Thắng mình mỗi ngày mới là quan trọng. Đây không phải triết lý “học tập suốt đời” của cá nhân hay “Trò chơi vô cực” của các doanh nghiệp bây giờ thì là gì?!
2. Nếu muốn được tất cả, phải từ bỏ tất cả.
? Nghe thì nghịch lý nhưng chí lý. Trước giáo sư tư duy hệ thống hỏi cả lớp hãy trả lời “Who am I”. Ai cũng đính mình với một tên gọi của chức danh, quốc gia, tính cách. Nhưng khi biết trả lời “I am Nothing” nghĩa là bạn có thể trở thành “I Am Everything”. Chỉ khi hạ cái muốn cái tôi xuống thì mình có thể trở thành tất cả.
3. Hiểu người là khôn, hiểu được mình mới là khôn thật sự.
? Hay cho hai chữ “Thật Sự”. Khôn ngoan ở đời thì ai chẳng mong, mà kì lạ thay, tôi thấy càng hiểu được mình lại càng hiểu được mình vậy.
4. Nếu biết vạn vật đều thay đổi, thì bản thân không nên cố nắm giữ điều chi.
? Chính là bản chất của “vô thường”. Steve Jobs ngày xưa cũng nói chẳng thể làm người giàu có nhất về tài sản trong nghĩa trang. Càng cố nắm giữ càng nhanh mất đi.
5. Ai vội vàng tiến lên phía trước đều không thể đi xa.
? Ấy là bởi “dục tốc bất đạt”, trong chính cái sự vội vàng thiếu một góc nhìn tỉnh thức thì mỗi bước chân dễ sai lầm hơn rất nhiều. Chú ý “vội vàng” này khác với một tâm thế giục giã, quyết đoán và khao khát mãnh liệt. Chính vì tầm nhìn ở xa nên bước chân lại càng cần sự vững chãi.
6. Ai muốn thể hiện mình sẽ tự làm lu mờ bản thân.
? Thể hiện vì muốn được sự công nhận từ bên ngoài, sẽ càng đánh mất đi nội lực bên trong. Mất nội lực thì sự toả sáng ấy dù có cũng rất leo lắt.
7. Ai muốn chứng thực bản thân sẽ không tự biết bản thân mình là ai.
? Bản thân mình là ai, mình tự biết. Đâu cần chứng minh với ai. Ý này rất gần với ý số 6.
8. Ai muốn ước chế người khác thường không tự ước chế bản thân mình.
? Kiểm soát người khác là biểu hiện của việc chưa kiểm soát được bản thân. Bởi lẽ họ rất sợ những sai số, rất sợ những vô thường.
9. Không còn sự đối chọi, ma quỷ tự tiêu tan.
? Ma quỷ là do mâu thuẫn trong tâm mà thành. Hoà thuận với chính mình tự khắc thuận hoà và thích nghi trong nghịch cảnh.
10. Nếu biết nhìn vào tâm mình, anh có thể tìm thấy tất cả các câu trả lời.
? Tâm mình chính là trí tuệ vô hạn. Dữ liệu nhiệm màu của vũ trụ trong đó cả đó.
11. Nhu thắng cương, tĩnh thắng động.
? Càng đối diện những khó khăn khốc liệt, càng phải điềm tĩnh. Càng đứng trước những khúc quanh co càng phải mềm mỏng. Học hạnh nhu và hạnh tĩnh của nước.
12. Hãy để mọi chuyện tùy kỳ tự nhiên.
? Thuận tự nhiên, tự nhiên thuận. Vô vi của Lão Tử không phải không làm gì, mà chính là không nên làm gì ngược lại với quy luật của Vũ trụ.
13. Nếu người muốn co lại, trước hết hãy cho phép nó duỗi ra. Nếu người muốn từ bỏ, hãy cho phép nó nhảy xuất ra. Nếu người muốn có điều gì, trước hết phải cho đi thứ đó.
? Quy luật cân bằng là thế. Vũ trụ sẽ đáp lại tương xứng với tâm khẩu ý mà ta đưa ra cuộc đời.
14. Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang thành một đoạn kết bi thảm.
? Vạn sự khởi đầu nan, càng trong bi quan thử thách càng học hỏi được nhiều. Khởi đầu tốt đẹp không hẳn phải là một hiện thực trong mơ lung linh óng ánh, chính việc bắt đầu trong gian khó và vượt qua mới tạo nên bản lĩnh của người biết lãnh đạo chính mình.
15. Chú tâm đến sự công nhận của người khác rồi ngươi sẽ trở thành tù nhân của chính họ.
? Tù nhân của danh vọng, của sự công nhận từ dư luận. Nhà tù này thường được tạo ra rất ngọt ngào và phi bạo lực. Tôi chứng kiến nhiều bạn hào quang một thời và cứ bám víu mãi quá khứ, khiến cho hiện tại và tương lai tù túng quẩn quanh.
16. Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó.
? Tri túc là biết đủ. Thiên hạ đôi khi cũng chỉ nằm ở chữ này. Ví như một ông quan mà không biết điểm dừng thì một là đang đánh mất chính mình, hai là sẽ tới một ngày đánh mất hết những quyền lực mình dày công tạo dựng.
17. Vô hình vô tướng là niềm an lạc nhất.
? Bởi vậy, niềm an lạc thường chẳng thể mô tả. Bạn cần tự cảm nghiệm lấy hình tướng chính xác từ sự quan sát tâm mình.
18. Bậc trí tuệ là người biết những gì mình không biết.
? Chính vì họ biết rõ đâu là điều mình biết, đâu là điều mình không biết nên họ thực sự là người biết tất cả. Trí tuệ nằm ở chỗ tư duy hệ thống mạch lạc, rõ ràng như thế.
19. Khi bạn hài lòng đơn giản là chính mình, không so sánh hay cạnh tranh với ai, tất cả mọi người sẽ tôn trọng bạn.
? Bởi vì khi bạn là chính mình, bạn có tự tôn, tự trọng. Bạn tôn trọng mình cũng là bạn có “đạo” riêng của mình. Đạo của bạn khác đạo của người, khi nhận ra sự khác biệt và đa dạng trong hành trình mỗi người đi, bạn cũng học được cách tôn trọng người khác.
Cảm ơn Lão Tử đã cho tôi có cơ hội đàm đạo và tư duy cùng ông sáng nay. Càng tư duy tôi lại thấy càng biết ơn. Lãnh đạo chính mình mỗi ngày, để giúp thật nhiều người biết lãnh đạo chính họ.
“Lão tử” nghĩa là bậc thầy cao tuổi. Cao tuổi nhưng tôi nghĩ còn cao về cả mặt trí tuệ. Sống trong vũ trụ mà có cả sức khoẻ thọ lâu lẫn tinh thần thọ giáo suốt đời thì hạnh phúc biết mấy.
Chúc bạn nhiều trí tuệ !
Lương Tiến Hiệp
Coach Tư Duy Hệ Thống
Sáng lập Trường Cốt Chinh
19/01/2023