Một Công Việc Duy Nhất Ở Đời
Một Công Việc Duy Nhất Ở Đời
hay 3 lời khuyên tư duy hệ thống cho tuổi đôi mươi
Dậy sớm, tôi lại nghĩ về câu chuyện của một người bạn trẻ ngày nào cũng dậy từ 3h để lao động. Giờ làm việc của em từ sớm tới khuya và hiếm khi có thời gian cho mình. Em bảo em đang làm 3 công việc. Một việc để có tài chính, một việc là vì đam mê cho thật nhiều bài học, một việc là làm trụ cột chăm lo gia đình. Trong phiên coach mà tôi tặng cộng đồng đầu năm này, em chia sẻ khi cùng lúc làm ba công việc như vậy em thấy bản thân sẽ kiệt sức nếu không biết quản lý thời gian, quản lý cảm xúc. Và đó là lý do em muốn được Cốt Chinh – Coaching cho người Việt. Đây không phải là một trường hợp hiếm hoi, nếu không nói sự điển hình này vốn lặp đi lặp lại ở nhiều bạn trẻ.
Làm nhiều việc khiến tư duy phân mảnh và khó lòng nhìn ra tính hệ thống trong mỗi việc mình làm. Nhiệt tâm đóng góp cho đời mà quên mất cũng cần thời gian cho chính mình.
Ấy vậy mà người bạn trẻ này lại có một phân vân mà nghe xong có vẻ rất đỗi chính đáng. Em kiếm được bao nhiêu thì dành hết cho gia đình, em lo nếu mình dùng cho bản thân thì đó là ích kỷ. Em đi làm mà không nghĩ nhiều cho việc nghỉ ngơi vì em lo mình đang lợi dụng và lãng phí thời gian mà sếp và đồng nghiệp dành cho. Tôi mới gợi ý em mấy lời thế này. Bạn có đang trong tình huống tương tự thì tham khảo nhé.
1. Em ạ, tư duy hệ thống là em yêu quý hệ thống em thuộc về. Đó là gia đình, công ty, cộng đồng của em, thế thì càng phải nhớ, em cũng là một phần liên kết chặt chẽ trong đó. Em không hạnh phúc, em không chăm sóc bản thân đủ, em kiệt sức thì các phần khác trong hệ thống của em liệu có ổn? Nếu là một người muốn đóng góp nhiệt tâm và cho đi lâu bền, em cần biết phát triển trí tuệ và nội lực nơi mình. Mình chẳng thể cống hiến cho hệ thống những gì mình không có.
2. Tư duy hệ thống về công việc cũng nghĩa là hãy nhìn tất cả các công việc kia là một việc thôi. Ta có duy nhất một việc cần làm ở đời. Đó là hạnh phúc. Đó là tạo giá trị. Hãy nhìn lại cả ba công việc em có, chọn cốt lõi giá trị nào để làm kim chỉ bàn kết nối? Chọn tiền thì mệt đấy. Tiền là phương tiện và hệ quả của những nỗ lực. Chứ chưa bao giờ là đích đến sau cùng cả. Rồi hãy xem, ba công việc đó có thể tương hỗ nhau ra sao? Hay là tương phản? Hãy xem xem mình khi làm công việc này có thể tận dụng lợi thế & kỹ năng nào từ công việc kia. Khi biết tư duy như vậy, làm bao nhiêu công việc không quan trọng bằng việc nhìn ra các công việc đó kết nối với nhau như thế nào.
3. Biết dành thời gian cho chính mình. Không phải thời gian để hưởng thụ, cho tốn kém và những điều vô bổ. Là thời gian để học tập. Khi em cho đi trí não, sức khoẻ; thì em cũng càng cần nạp lại những kiến thức vào chính mình. Học về sức khoẻ, em hiểu thế nào về dinh dưỡng? Thích về giáo dục, em đang đọc sách nào? Mỗi ngày tạo ra các thói quen mới hữu ích. Năm mười phút tĩnh tâm lắng nghe cảm xúc của mình thôi cũng rất quý. Mỗi ngày đọc 10 trang sách thôi cũng rất quý. Quý nhất là đức kỷ luật và kiên trì. Sự học hỏi đó có thể em không xài ngay, nhưng chắc chắn trở thành quỹ dự phòng cần thiết cho những tình huống thử thách trong tương lai.
Câu chuyện Cốt Chinh nhiều hơn thế, sớm nay tôi tư duy lại nên viết ra 3 điều cô đọng. Đúc kết này cũng là tặng cho các bạn nào đang nhiều bận tâm trong công việc, hãy nỗ lực sắp xếp nhé.
Chúc bạn ngày mới tư duy hệ thống!
Lương Tiến Hiệp | Coach Tư Duy Hệ Thống
Sáng lập Trường Cốt Chinh
03/02/2023