Vì sao có những tư duy sau hàng ngàn năm vẫn đúng?
Tôi nghĩ, vì ngàn năm trước hay ngàn năm sau, đó là những tư duy thuận tự nhiên và đất trời.
Gần đây, nhiều người nói về “Vũ trụ”. Đọc sách tôi càng hiểu ra, gần 13,8 tỉ năm vũ trụ đã và đang giãn nở. Ngày xưa “vật chất” là chính, bây giờ “năng lượng” là chính.
Tôi tin vũ trụ bằng một niềm tin thiêng liêng, và tôi cũng tìm hiểu về vũ trụ qua lăng kính người xưa nữa. Gần thì đọc về Vũ trụ qua sách của các nhà vật lý lượng tử (thế giới: Einstein, Stephen Hawking; Việt Nam: Nguyễn Tường Bách, GS Cao Chi);còn xa hơn thì đọc… Lão Tử. Quan điểm của Lão Tử về vũ trụ tôi thấy gần tôi hơn cả.
Từ 2500 năm trước, Lão Tử đã quan sát vũ trụ bằng việc ngồi yên cùng đất trời. Sáng nay xin mời bạn đọc cùng mấy dòng. Trong cuộc trò chuyện giữa Lão Tử và Khổng Tử về “Đạo”.
[…]
“Muốn thấy đại Đạo, trước tiên phải đưa cái tâm về lúc ban đầu của sự vật. Trong trời đất, ngoài vũ trụ. Trời đất người vật, nhật nguyệt núi sông, hình dáng tính chất khác nhau. Nhưng cái giống nhau, đều thuận theo tự nhiên mà sinh diệt, đều thuận theo tự nhiên mà chuyển động hay đứng yên.
Biết được cái khác nhau của chúng, là thấy cái bề ngoài vậy. Biết chúng đều giống nhau, là biết được bản chất của chúng vậy. Bỏ cái khác nhau mà quan sát cái giống nhau, thì có thể đưa cái tâm về lúc ban đầu của sự vật. Cái ban đầu của sự vật, hỗn độn nhưng là nhất thể, không có hình dáng, không có tính chất, cũng không khác nhau vậy”.
Khổng Tử hỏi:
“Quan sát cái giống nhau của chúng, có gì vui nhỉ?”.
Lão Tử nói:
“Quan sát cái giống nhau của chúng, tức là vạn vật là như nhau, vạn vật và ta như nhau, thị phi cũng như nhau. Do đó có thể xem sống chết như ngày đêm, họa với phúc cũng như nhau, cát (lành) bằng với hung (dữ), không sang, không hèn, không vinh, không nhục, có chỗ nào mà chẳng vui đây?”.
[…]
Như Nhau.
Để có một cái tâm nhìn điều gì cũng “như nhau”, tôi thấy ta cần rèn luyện cả đời chẳng ngày ngơi nghỉ. Bạn hỏi tôi luyện thế nào. Tôi luyện nhìn tâm phản ứng việc xấu tới cũng vui vẻ như việc tốt tới vậy, vì làm gì có cái gì là tốt xấu hoàn toàn đâu. Tất cả chỉ là tương đối. Duy chỉ có cái tuyệt đối là mình lựa chọn được thái độ nhìn cuộc đời của mình. Kể khi tôi mua hàng của một em nhỏ bán rong cũng tươi cười như khi kí hợp đồng với một đối tác làm ăn đã từng kiếm triệu đô vậy. Tâm “như nhau” chắc chắn không phải là một sự xuề xoà hê hả, mà là bởi chúng ta tôn trọng tất cả mọi thứ trong đất trời. Như Thầy của tôi từng nói, trong hệ sinh thái, vũ trụ này tất cả đều cần có nhau. Con kiến hay con voi đều có vai trò của nó. Chớ tranh giành, chớ giẫm đạp.
Trùng hợp thay, Lão Tử cũng chung một ý nghĩ. Xin trích lại tới bạn ở đây để cùng đọc:
[…]
“Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. Tôi không phú cũng chẳng quý, không có của cải tặng ông, muốn tặng ông vài lời. Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, lý do người ấy gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay mỉa mai cái xấu của người khác; kẻ giỏi hùng biện lại thông hiểu sự việc, lý do người ấy gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người khác. Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn, mong ông nhớ kỹ”.
Khổng Tử bái lạy nói:
“Đệ tử nhất định ghi nhớ trong lòng!”
Lão Tử nói:
“Không tranh giành với người đời, thì trong thiên hạ không có ai có thể tranh cùng, đây là học theo đức của nước vậy. Nước gần với Đạo; Đạo không nơi nào không có, nước không nơi nào không có lợi, tránh chỗ cao mà về chỗ thấp, chưa bao giờ ngược lại, là giỏi tìm chỗ đứng vậy. Ở nơi không trung nên trong vắt tĩnh lặng, sâu không thể đo biết được, là vực sâu vậy. Tổn mà không kiệt, làm mà không cầu báo, là giỏi làm việc nhân vậy. Tròn ắt sẽ quay, vuông ắt sẽ gãy, bịt ắt sẽ dừng, khơi ắt sẽ chảy, là giỏi giữ chữ tín vậy.
Cho nên bậc Thánh giả tùy thời mà thi hành, bậc hiền giả tùy tình hình sự việc mà thay đổi. Bậc trí giả vô vi mà trị, bậc đạt giả thuận theo Trời mà sinh. Ông lần này đi rồi, nên bỏ cái ngạo khí trong lời nói và biểu cảm, trừ cái chí dục ở dung mạo. Nếu không, người chưa đến mà tiếng tăm đã đến, thân chưa tới mà gió đã động, hiển lộ phô trương, như hổ đi trên phố, ai dám dùng ông?”.
Khổng Tử đáp:
“Lời của tiên sinh, là từ đáy lòng của tiên sinh, đi vào tận tâm can đệ tử, đệ tử thọ ích rất nhiều, cả đời không quên. Đệ tử sẽ tuân theo chẳng dám trễ nải, để cảm tạ cái ân của tiên sinh”.
[…]
Tôi đáp:
“Lời của các vị Thánh nhân, các vị Thầy thực sự đi vào tâm can của những kẻ hậu bối như tôi. Lợi lạc vô cùng. Xin làm người trò của Đạo để học tập suốt đời”.
Chúc bạn ngày mới tốt lành!