7 bài học về Hệ Sinh Thái và Tư Duy Hệ Thống từ “Quả táo thần kỳ của Kimura”

Từ tháng 5/2019,lúc còn đang học tại Taiwan về tư duy hệ thống, Hiệp may mắn được thầy Phan Văn Trường     gợi mở Hệ sinh thái bằng câu chuyện thật sinh động về khu vườn của người nông dân Nhật Bản Kimura.
Trong quá trình nghiên cứu ứng dụng Tư Duy Hệ Thống và đọc lại cuốn sách này, Hiệp xin chia sẻ lại những chiêm nghiệm của mình ?

3 lý do Hiệp chọn cuốn sách này:
– Cuốn sách nói về tư duy hệ sinh thái, nói về việc học từ thiên nhiên. Tôi luôn nghĩ thiên nhiên có thể dạy chúng ta mọi thứ về cuộc đời.
– Người nông dân Kimura cùng quả táo là câu chuyện khởi đầu cho hệ sinh thái Cấy Nền mà tôi tham gia, thầy Phan Văn Trường đã dùng ví dụ này để giúp chúng tôi hiểu về hệ sinh thái thật đơn giản và sống động.
-Tôi thích (ăn) táo, quả táo cứ như gắn liền với lịch sử của một kỷ nguyên mới: Từ quả táo vườn địa đàng của Adam, quả táo Newton, Đế chế Apple và nay là quả táo Kimura.

Dưới đây ghi chép 7 bài học mà tôi suy ngẫm và chia sẻ:
1. “Cứ điên với một thứ, đến lúc nào đó sẽ tình cờ gặp được câu trả lời”
Trang 29 của cuốn sách có 1 câu như vậy, Kimura luôn nhận mình ngốc nghếch. Vì ngốc nghếch nên “hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” trong 8 năm với hành trình trồng táo không thuốc thực vật của mình.
Khi đã có một mục tiêu đủ hào hứng và đúng với sứ mệnh của mình, thì kiên định là điều quan trọng.

2. Luôn mày mò và đào sâu, thay vì tiêu hóa những thông tin có sẵn:
Kimura là một kẻ luôn bới tung máy móc mỗi khi có trong tay những chiếc mỏ lê, tua vít. Ông muốn khám phá bên trong của máy móc, để hiểu về cách vận hành. Trong sách có 1 đoạn dẫn rất hay nói về tính cách của Kimura như thế, ông nhận định rạch ròi mối quan hệ giữa máy và người. Con người phải học cách chủ động làm chủ cuộc sống, chứ không thể ngồi một chỗ “đinh ninh rằng tất cả câu trả lời đều có trên mạng”.
Và khi đào sâu, khi tăng sự tò mò trong mỗi việc, sự yêu thích và say mê trong công việc từ đây cũng tăng đáng kể.


3. Tôn trọng muôn loài – Tính Bình Đẳng trong các chức năng của Tư Duy Hệ Thống

Trang 56 của cuốn sách có dẫn một câu chuyện khi Kimura đặt bẫy loài lửng trong ruộng ngô (thời kỳ đầu của việc làm nông), đại ý như thế này: Khi đặt bẫy, ông thấy 1 con lửng con bị vướng bẫy, con lửng mẹ ngay lập tức tới bên cạnh con mà chẳng thèm có ý định bỏ trốn. Sau đó thấy tội nghiệp, ông tìm cách tháo bẫy cho lửng con, thì cả 2 mẹ con cũng chẳng chạy. Lửng mẹ cứ ở đó, liếm chỗ bị thương của con mình. Thế rồi từ lần sau, ông chọn ra những bắp ngô xấu, để một bên bờ ruộng cho lũ lửng. Kể từ ngày đó, lửng chỉ ăn những bắp ngô xấu đó, mà không tổn hại gì tới mùa màng. Khi ấy, người nông dân mới ngẫm nghĩ rằng, Tự nhiên không bao giờ vận động theo kế hoạch của con người. Chỉ có con người tham lam muốn lấy tất cả, nên mới lo nghĩ tới việc phải chịu thiệt hại của mùa màng thôi thay vì nghĩ rằng cần chia sẻ mùa màng với các loài khác.
Hay 1 câu chuyện khác về Cỏ Dại mọc trong vườn, Cỏ Dại nhỏ bé nhưng cần thiết, không có cỏ dại, đất sẽ không có độ tơi xốp và ấm – không đủ điều kiện cho cây phát triển. Vậy nên dù là nhỏ bé, dù là tưởng chừng là một nhân tố “xấu”, thì Cỏ Dại vẫn cần thiết. Bình Đẳng là thế.
Từ đây, tôi hiểu rằng, thiên nhiên hay cuộc sống đều có quy luật. Cần quan sát kĩ trước khi làm bất cứ một điều gì tổn hại tới trật tự này. Một trật tự bình đẳng mà ai cũng có chỗ.

4. Gốc Rễ luôn là quan trọng nhất. Luôn bắt đầu bằng câu hỏi Tại Sao.
Sau 5 năm dùng đủ mọi cách để trồng táo không dùng thuốc bảo vệ thực vật, Kimura đã tới đà bất lực. Bất lực nhất là cảm giác khiến vợ con gia đình cũng khổ theo mình, thế rồi vào cái ngày ông định treo cổ ở vách núi Iwaki, ông phát hiện ra 1 cây dẻ lừng lững mọc. Thế rồi, quên luôn tự tử, ông như được giác ngộ khi bắt đầu sờ vào đất, mò vào rễ của cây dẻ đó. Rễ rất sâu, bám rất chắc vào đất, và đặc biệt nhiệt độ đất rất ấm. Đây cứ như bước ngoặt của hành trình trồng táo 8 năm của ông. Ông đã hiểu ra, rằng không phải nhìn vào ngọn vào lá vào cành, gốc rễ là ở Rễ của cây và chất lượng Đất. Đó là mấu chốt.
Từ đây tôi hiểu ra, Gốc Rễ – Lý Do tại Sao – Mục đích quan trọng thế nào đối với một Hệ Thống. Hệ thống luôn cần 1 mục đích để tồn tại; luôn cần hiểu gốc rễ trong khi phân tích bất cứ 1 vấn đề nào thì mới tìm ra được giải pháp triệt để.

5. Đừng Thấy Cây mà Không thấy Rừng
Trồng táo không chỉ nên nhìn mỗi cây táo, trồng táo cần nghĩ về cả khu vườn. Nghĩ về cả khu vườn là hiểu về từng thành tố trong đó, từ đất, độ ẩm, nhiệt độ, cỏ dại, các loại nấm, vi khuẩn, các loại cây gieo trong vườn ….
“Đâu phải cây táo sống một mình. Nó là sinh thể sống, được sống giữa tự nhiên xung quanh. Con người cũng như vậy đó. Đừng quên mất bản thân, mà nghĩ chỉ sống cho riêng bản thân mình. Phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây táo, thực ra là tách cây táo ra khỏi tỰ nhiên”
Đừng thấy cây mà không thấy rừng là thế, trong tư duy hệ thống cũng nhắc nhiều tới điều này: “Thinking in a Big Picture”. Luôn phải nhìn thấy bức tranh lớn trước.

6. Gọi tên đúng bản chất thay vì theo lợi ích hay sự thuận tiện
Thiên địch, sâu bệnh – là tên mà con người đặt cho, không phải bản chất. Sâu róm ăn lá thì hiền lành – nhưng con người bảo có hại, nên gọi sâu bệnh.
Thiên địch là con côn trùng cánh ren, ăn sâu bệnh cho con người nên được gọi là thiên địch, nhưng thực tế mặt nó thì đáng sợ. (Kimura quan sát dưới kính lúp). Con người thường gọi tên theo sự thuận tiện cho lợi ích, thay vì gọi theo bản chất.
Trong truyện cũng kể về một sự cân bằng tuyệt diệu của thiên nhiên, khi một loài sâu đẻ trứng thành 2 đợt, ví dụ 100 con thì 50 con đợt 1 nở để sống sót, đợt 2 thì 50 trứng còn lại là để cống cho loài khác ăn – như một sự cho nhận tất yếu thể hiện sự hài hoà của thiên nhiên. Đó cũng là sự điều hoà để duy trì một hệ thống.

7. Nội Lực
Một hệ thống, một con người cũng như một cây táo. Dùng quá nhiều phân bón, quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật như một sự “làm hư” sức đề kháng. Con người trong cuộc sống cần lưu tâm tới Nội Lực, cũng như người nông dân Kimura có ý chí bền bỉ và kiên định 8 năm trời để nhìn thấy bông hoa táo đầu tiên trong vườn, rồi nở cả vườn, rồi tới những quả táo bé nhưng ngọt vô cùng ban đầu; và sau là những câu chuyện như “nếu muốn ăn món súp táo thượng hạng được làm từ táo Kimura phục vụ trong nhà hàng Pháp ở Tokyo, thực khách cần phải đặt lịch trước cả năm trời”. Thành quả không phải ngày một ngày hai là thấy, quả ngọt luôn cần tới sự kiên trì và nỗ lực. Rèn luyện tư duy hệ thống, cũng vậy.

Trên đây là vài tóm tắt của tôi về cuốn sách Quả táo thần kỳ của Kimura, quả thật tôi đã có những phút phiêu lưu khám phá thú vị khi đối chiếu dưới góc nhìn của tư duy hệ sinh thái, tư duy hệ thống.

Cảm ơn cuốn sách, cảm ơn những người thầy đã trao tặng cho tôi những góc nhìn thật ý nghĩa và trọn vẹn ☘️

Leave a reply:

Your email address will not be published.

Site Footer

https://study.edu.vn/,https://giasumontoan.net/,https://bdsvinhphuc.com.vn,https://shoponline.com.vn/,https://toathuocdongy.com/